Top 2 Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Myanmar
Bạn đã có kế hoạch gì cho kì nghỉ Tết dương lịch sắp tới hoặc Tết Nguyên Đán dài ngày này chưa? Nếu bạn là người có điều kiện và muốn tạo cho gia đình hoặc bản thân một trải nghiệm mới bằng việc xách ... xem thêm... ba lô lên và đi du lịch nước ngoài thay vì năm nào cũng tiến hành những nghi lễ truyền thống thì Myanmar - một quốc gia Phật giáo ở Đông Nam Á cũng là một điểm đến vô cùng thú vị. Hãy để toplist làm hướng dẫn viên cho bạn khám phá trước những hành trình du lịch nổi tiếng trên đất nước cách Hà Nội chỉ khoảng 2 giờ bay này nhé. Let's go!.
Hòn đá vàng Golden Rock cao 1.100 m cách thành phố Yangon 200 km nằm chênh vênh trên một hòn đá khác qua 2000 năm lịch sử. Nằm sát bên mép núi và phần tiếp xúc với núi chỉ vỏn vẹn 78 cm vuông. Truyền thuyết kể lại rằng, Đức Phật trong một lần hạ giới đã tặng một sợi tóc cho vị ẩn sĩ tên Teikthadharma Thiriraza. Vị ẩn sĩ này giữ gìn sợi tóc rất cẩn thận. Trước khi qua đời, ông đã trao sợi tóc này lại cho người con nuôi là vua Tissa, cai trị Myanmar thế kỉ 11 với lời dặn dò: "Hãy cất giữ xá lợi này trong hòn đá có hình dáng như đầu một vị ẩn sĩ". Vâng lời cha, vua Tissa cùng với sự giúp đỡ của các vị thần linh đã tìm đến hòn đá nằm trên đỉnh núi Kyaiktiyo xây một ngôi chùa trên đỉnh để thờ cúng xá lợi Phật. Ông vua này đã tạo một lỗ nhỏ trên hòn đá để ông đặt xá lợi vào. Người ta tin rằng, nhờ có sợi tóc của đức Phật mà hòn đá này nằm yên trên một vị trí cheo leo hiểm hóc bất chấp sự khắc nghiệt của tự nhiên.
Để lên được hòn đá vàng Golden Rock cao hơn 700 m, du khách di chuyển bằng xe tải từ thị trấn Kyaiktiyo sau đó là đi bộ leo núi ở hành trình cuối cùng, tuy không xa nhưng độ dốc khá lớn và tốn rất nhiều sức lực. Nếu bạn là người ưa thích bộ môn leo núi và du lịch chắc chắn sẽ vượt qua thôi dù có toát hết mồ hôi để được lên tận nơi chiêm ngưỡng điểm du lịch tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cũng như vẻ đẹp dưới chân núi. Chùa Kyaiktiyo còn có nhiều tượng Phật được đặt khắp các ngóc ngách, đặc biệt có một số tượng Phật được khảm bằng hàng nghìn viên đá quý, vài trăm viên kim cương và hàng trăm chiếc chuông vàng. Vào thời điểm nào trong ngày, hòn đá chênh vênh cùng với ngôi chùa cũng có vẻ đẹp kì bí riêng.
- Địa chỉ: mon, Kyaikto, Thaton, Myanma
Tọa lạc tại thủ đô Yangon của quốc gia Myanmar với tuổi đời hàng trăm năm tuổi, chùa Shwedagon là một nơi nổi tiếng lâu đời với người dân địa phương nói riêng và cả những du khách tứ phương bởi nhiều truyền thuyết huyền ảo gắn liền với nó. Chùa Shwedagon còn được xem như thánh địa của các tín đồ Phật giáo, khi đón hàng triệu lượt viếng thăm mỗi năm chỉ để ngắm nhìn kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy, được đính bởi 90 tấn vàng và hàng ngàn viên kim cương, đá quý đầy màu sắc bên trong địa điểm linh thiêng này.
Ngôi chùa Shwedagon với sắc vàng lộng lẫy.
Văn hóa Phật giáo trong đời sống người dân Myanmar
Tuy là quốc gia Phật giáo nhưng ở đất nước này vẫn tồn tại những người dân theo tôn giáo khác như đạo Hồi, Hindu, Thiên Chúa giáo,... song Phật giáo vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn cả với gần 90% dân số trên cả nước. Văn hóa Phật giáo còn thể hiện qua cách người ta xây dựng đền thờ và chùa chiền, nơi đâu có bước chân nơi đó có sự hiện diện của các ngôi đền, chùa và tháp, chúng có mặt ở khắp nơi trên lãnh thổ, vừa là nơi cầu nguyện, vừa là nơi nghỉ ngơi của người dân Myanmar vào những ngày nóng nực. Bên cạnh đó, Myanmar còn là quốc gia với nguồn tài nguyên phong phú từ dầu mỏ cho tới những loại đá quý nên người dân thường cúng dường cho các ngôi chùa tài sản của họ bằng vàng hoặc kim cương, để khảm lên những bức tượng và ngôi đền, cầu phúc và cầu bình an cho cả gia đình, và một trong những ngôi chùa lâu đời, được người dân tôn kính và thờ phụng qua nhiều thế hệ, chính là chùa Shwedagon.
Người dân tôn kính thánh địa linh thiêng này.
Lịch sử hình thành của ngôi chùa dát vàng Shwedagon
Có nhiều truyền thuyết và câu chuyện lịch sử liên quan đến ngôi chùa vàng linh thiêng này, có người nói nó có tuổi đời hơn 2.500 tuổi nhưng cũng có những tài liệu chỉ ra nó chỉ được xây cách đây vài trăm năm, song với xuất thân nhiều bí ẩn đó lại khiến cho Shwedagon càng linh thiêng, trở thành một địa điểm tâm linh từ xa xưa, là điểm đến cho những con dân ngoan đạo, dâng tặng cho chùa rất nhiều vàng và đá quý để tôn lên vẻ đẹp rực rỡ của tàn tích cổ này. Rồi dần dà theo thời gian, nó đã thành thông lệ và phong tục, người ta cứ nối bước nhau trang hoàng cho ngôi chùa bằng hàng chục tấn vàng để tỏ lòng thành kính. Tuy hiện tại vẻ đẹp của Shwedagon không phải là nét vốn có, do nhiều biến cố trải qua thời gian, từ động đất cho tới hỏa hoạn khiến phần lớn kiến trúc của ngôi chùa phải trùng tu lại. Nhưng dưới bàn tay của những nghệ nhân lành nghề và cả người dân góp sức, Shwedagon hiện tại nguy nga hơn bao giờ hết, là một điểm đến không thể không ghé qua khi đến thăm thủ đô Yangon, và có một luật lệ, đó là những ngôi nhà lân cận trong thành phố, không được phép xây cao hơn ngọn tháp của chùa để tôn kính biểu tượng linh thiêng này.
Khung cảnh tuyệt đẹp trong nắng chiều của chùa Shwedagon.
Lối vào ngôi chùa cổ kính Shwedagon
Có thể nói chùa Shwedagon nằm ở vị trí khá nổi bật giữa lòng thành phố Yangon, gần một công viên xanh mát đầy cây xanh và ngay phía tây của hồ Kandawgyi. Khi đi từ xa, ta có thể thấy những ngọn tháp to lớn màu vàng óng, nằm sừng sững, hết sức nguy nga, được bao quanh bởi muôn vàn nhà dân và kiến trúc trong khu vực. Mà khi lại gần, kiến trúc này còn cao lớn và hùng vĩ hơn cả, với lối vào là hàng trăm bậc thang dựng đứng, kéo dài lên những tòa tháp trên cao với độ cao hơn một trăm mét. Kế bên lối ra vào là quầy bán vé với mức giá 5 USD/ người, cũng là nơi bỏ giày dép và căn dặn những quy định bạn phải tuân theo trước khi bước chân vào bên trong.
Vé vào cổng tốn 10.000 Kyats tầm 5 USD cho một người
Bên trong khuôn viên ngôi chùa cổ kính.
Thời gian mở cửa của chùa Shwedagon là từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất để ghé chùa tham quan là gần xế chiều, khi những tia nắng nhạt dần trên đỉnh tháp cũng là lúc người dân kéo nhau đến đây, thực hiện các nghi lễ một cách ngoan đạo, họ có thể đi theo từng cá thể, hoặc gia đình hay thậm chí là một xóm làng tụ tập lại với nhau. Vì đối với người dân Myanmar việc đến ngôi chùa linh thiêng này là một niềm vui, họ cảm thấy hạnh phúc khi được thực hiện nghi lễ một cách đầy đủ và trọn vẹn, càng thi hành nghi lễ đều đặn, lòng họ càng bình an và hạnh phúc. Đó là lý do khi bạn đến đây vào chiều tối, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm ngọn nến sáng rực do những con người ngoan đạo thắp đến đây mỗi ngày, thay cho đèn điện và thậm chí hơn cả ánh mặt trăng vẫn hằng đêm soi bóng.